KHAI THỊ SỐ 46 - TỪ BI ĐA HỌA HẠI, PHƯƠNG TIỆN XUẤT HẠ LƯU.

9 months ago
21

Bồ Tát thị hiện ứng thế chính là tự tánh hằng thuận chúng sanh. Câu nói này nhắc nhở rất hay. Chúng sanh làm ác, chúng ta cũng phải làm ác với họ hay sao? Không thể nào, hoàn toàn sai rồi! Trong nhà Phật thường nói: "Từ bi vi bổn phương tiện vi môn". Nếu chúng sanh muốn làm việc xấu, chúng sanh muốn giết người, bạn cùng với họ giết người sao? Chúng sanh muốn ăn trộm, bạn giúp họ ăn trộm à? Bạn tùy thuận thì sai rồi, như vậy gọi là "từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu". Bạn xem từ bi là gốc, phương tiện là cửa, vì sao lại nói họa hại, hạ lưu? Trong đây chính là bạn tùy thuận tự tánh chúng sanh, đây là thiện, đây chính là gốc, đây chính là phương tiện. Nếu như bạn muốn tùy thuận phiền não của chúng sanh, tùy thuận ác nghiệp của chúng sanh thì bạn chính là họa hại, chính là hạ lưu. Việc này không thể không phân biệt rõ ràng. Tùy thuận là tùy thuận trí tuệ, tùy thuận lý tánh, không phải cảm tình. Tùy thuận cảm tình, tùy thuận nhân tình thì đều là hỏng việc. Chúng ta học Phật thì phải hiểu rõ đạo lý này. Tự tánh vốn đủ. Chúng ta thường nói tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi, chúng ta phải tùy thuận cái này. Mặt trái của chân thành là hư ngụy, mặt trái của thanh tịnh là ô nhiễm, mặt trái của bình đẳng là ngạo mạn đố kỵ, mặt trái của chánh giác là ngu si, mặt trái của từ bi là tự tư tự lợi, những cái đó thì không thể tùy thuận. Chúng ta phải hiểu được đại đạo lý này.
Trang nghiêm quốc độ là phải tùy thuận thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, đây mới là trang nghiêm quốc độ. Cho nên, tổng quan bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, mỗi nguyện chính là chúng sanh trí tuệ đức tướng vốn đủ. Do đây có thể biết, vẫn là dùng trí tuệ đức tướng tự tánh vốn đủ trang nghiêm chư Phật quốc độ. Tâm độ không hai, nhân quả đồng thời, lý sự không hai, cho nên Ngài cảm ứng nhanh đến như vậy, nguyện mới vừa phát xong, tướng lành điềm lạ lập tức liền hiện tiền. Đạo lý chính ngay chỗ này. Trong đây không hề có chút nào mê tín. Cho nên, không trung tán thán: "Quyết định tất thành Vô thượng Chánh Giác", không có chút nghi hoặc nào. Bạn xem, câu nói này thật khẳng định. Thực tế mà nói, tán thán này tuyệt nhiên không phải tán thán để Pháp Tạng nghe, nếu như bạn hiểu như vậy là đã hiểu sai đi ý nghĩa rồi. Lời tán thán này cho ai vậy? Là cho chúng ta nghe. Chúng ta ở trong đây thể hội được, phải tu hành như vậy sẽ chắc chắn thành vô thượng đạo. Sự tán thán này chính là chư Phật Như Lai, long thiên thiện thần đang khuyên chúng ta phải tu Tịnh Độ mà thôi. Ý nghĩa chân thật chính ngay chỗ này. Cái nhân không thể nghĩ bàn thì chắc chắn có cái quả không thể nghĩ bàn, nhân duyên quả mãn. Pháp môn này, niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai, không có vị nào mà không niệm Phật thành Phật, không luận là tu học pháp môn nào. Cho nên, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn tu đến sau cùng khi muốn thành Phật thảy đều quay về pháp môn niệm Phật. Việc này chúng ta xem thấy trên "Kinh Hoa Nghiêm". Trên Kinh văn của "Kinh Hoa Nghiêm" nói được rất rõ ràng, Thập Địa Bồ Tát (đây là "Kinh Hoa Nghiêm" đã đến tầng cao, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa): "Bồ Tát Thập Địa trước sau không rời niệm Phật". Thỉ là Sơ Địa, chung là Đẳng Giác, mười một vị thứ. Mười một vị thứ này, các Ngài tu pháp môn gì vậy? Pháp môn niệm Phật. Niệm Phật thì thành Phật, niệm Bồ Tát thì thành Bồ Tát, chỗ này chẳng phải nói "tất cả pháp từ tâm tưởng sanh" hay sao? Niệm cái gì thì biến hiện cái đó.
Trích trong Kinh Vô Lượng Thọ giảng giải lần 10 - đĩa 190)
Download MP3: https://ph.tinhtong.vn/khaithingan

Loading comments...